10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn. Trong đó, có 10 nội dung thay đổi chính so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là dự thảo Luật) tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua.

Dự thảo Luật có 9 chương, 133 điều, giữ nguyên số chương nhưng có thêm 8 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện hành.

Dự thảo Luật có 10 nội dung thay đổi chính, thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động, doanh nghiệp và xã hội.

1. BỔ SUNG TẦNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ XÃ HỘI

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng bảo hiểm xã hội cơ bản (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện). Tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Dự thảo Luật quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Quy định này kế thừa một phần quy định về trợ cấp hằng tháng đối với người cao tuổi đang được thực hiện theo quy định tại Luật Người cao tuổi.

Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

2. BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA VÀ HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI

10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 1

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Việc bổ sung các đối tượng trên sẽ bảo đảm phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời bảo đảm gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Theo luật hiện hành, nhóm đối tượng này mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Nếu như Luật được thông qua, sẽ có khoảng 100 nghìn người được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này.

3. BỔ SUNG CHẾ ĐỘ THAI SẢN VÀO CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 2

Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản.

Nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.

Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ bảo hiểm xã hội, tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

4. TỐI THIỂU 15 NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG LƯƠNG HƯU

10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 3

Dự thảo Luật giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.

Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh. Đồng thời, trong thời gian hưởng lương hưu, họ sẽ được Quỹ Bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế.

Định hướng sửa đổi này góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người được hưởng lương hưu.

Cùng với đó, khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay các quốc gia này đều đã có điều chỉnh giảm.

5. QUY ĐỊNH VỀ HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Đó là:

Thứ nhất, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội.

Thứ hai, người hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Đối với quy định về bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo xin ý kiến với 2 phương án.

Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13. Cụ thể: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm”.

Phương án 2 là quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.

10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 4

Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

6. TỶ LỆ HƯỞNG LƯƠNG HƯU ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ DƯỚI 20 NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 5

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế.

Việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với quy định giảm điều kiện về số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, đồng thời, để thúc đẩy triển khai các hiệp định về bảo hiểm xã hội với các nước (trong đó có thỏa thuận về tính cộng gộp thời gian làm cơ sở tính hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc ở các quốc gia khác nhau).

Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung thêm quy định để cho phép tính được tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và việc công nhận thời gian đóng đóng bảo hiểm xã hội theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia.

7. QUẢN LÝ THU, ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 6

Dự thảo Luật bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, dự thảo cũng đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để bảo đảm tính thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội. Đó là:

(i) Quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền chậm nộp thuế).

(ii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên.

(iii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

(iv) Quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về bảo hiểm xã hội ra Tòa án.

(v) Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

(vi) Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, góp phần bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động.

8. QUY ĐỊNH VỀ TIỀN LƯƠNG LÀM CĂN CỨ ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định với 2 phương án.

10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 7 10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 8

Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

9. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TRỢ CẤP MỘT LẦN KHI NGHỈ HƯU

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo Luật đưa ra xin ý kiến với 2 phương án có sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu. Cụ thể:

Phương án 1: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Phương án 2: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

10. SỔ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

10 nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 9

Dự thảo Luật quy định sổ bảo hiểm xã hội được xây dựng trên môi trường điện tử và được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng, là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, để phù hợp với điều kiện thực hiện thực tiễn đối với những trường hợp chưa có điều kiện thực hiện điện tử thì dự thảo luật cũng có bước quy định chuyển tiếp về việc tiếp tục sử dụng sổ bảo hiểm xã hội bằng bản giấy.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 28/2/2023 và dự kiến kết thúc vào ngày 30/4 tới.

Tính đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội ở nước ta đạt 17,5 triệu người, chiếm tỷ lệ 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó:

+ Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng hơn 7,5 lần.

+ Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6.000 người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần.

(Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Tổ chức: VIỆT ANH

Nội dung, trình bày: NGÂN ANH – NHẬT ANH