08 THÍ NGHIỆM TÂM LÝ XÃ HỘI NỔI TIẾNG

Các nhà tâm lý học xã hội từ lâu đã liên tục đặt câu hỏi về hành vi con người và cố gắng giải thích chúng trong nhiều thập kỷ, và một số kết quả thí nghiệm của họ có thể khiến bạn bất ngờ.

1. Robbers Cave Experiment (Thí nghiệm Hang Robbers)

Tại sao xung đột có xu hướng xảy ra giữa các nhóm khác nhau? Theo nhà tâm lý học Muzafer Sherif, xung đột giữa các nhóm có xu hướng nảy sinh từ sự cạnh tranh về nguồn lực, định kiến ​​và phán xét. Trong một thí nghiệm gây tranh cãi, các nhà nghiên cứu đã phân chia 22 cậu bé từ 11 – 12 tuổi thành hai nhóm tại một khu cắm trại ở Công viên Robbers Cave ở Oklahoma.

Các cậu bé được tách thành hai nhóm và dành tuần đầu tiên của cuộc thử nghiệm để gắn kết với các thành viên khác trong nhóm. Ở giai đoạn thứ hai của thí nghiệm, bọn trẻ mới biết rằng có một nhóm khác, lúc này những người làm thí nghiệm đã đặt hai nhóm cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Điều này dẫn đến sự bất hòa đáng kể, vì các cậu bé rõ ràng ưu ái các thành viên trong nhóm của mình hơn, trong khi họ chê bai, căng thẳng với các thành viên của nhóm khác. Trong giai đoạn cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã sắp xếp các nhiệm vụ yêu cầu hai nhóm làm việc cùng nhau. Những nhiệm vụ chung này đã giúp các chàng trai làm quen với các thành viên của nhóm khác và cuối cùng dẫn đến một cuộc đình chiến giữa các hai bên.

Tham khảo: Hiệu ứng tương phản

2. Violinist in the Metro (Thí nghiệm ‘Nghệ sĩ vĩ cầm ở ga điện ngầm’)

Năm 2007, nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Josh Bell đóng vai một nhạc công đường phố tại một ga tàu điện ngầm sầm uất ở Washington, D.C.

Trước đó, Bell vừa bán hết vé một chương trình với giá trung bình là 100 đô cho mỗi buổi biểu diễn. Anh cũng là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất thế giới và từng chơi một cây vĩ cầm thủ công trị giá hơn 3,5 triệu đô la.

Tuy nhiên, ở ga điện ngầm Washington, hầu hết mọi người đều mải miết đi mà không dừng lại để nghe nhạc. Khi trẻ em thỉnh thoảng dừng lại để lắng nghe, cha mẹ chúng sẽ nhanh chóng kéo chúng đi.

Thí nghiệm đặt ra một số câu hỏi thú vị về cách chúng ta đánh giá “vẻ đẹp” và liệu chúng ta có thực sự dừng lại để đánh giá cao những tác phẩm tuyệt vời xung quanh chúng ta, khi mà không bị tác động bởi những yếu tố xã hội hay không.

3. Piano Stairs Experiment (Thí nghiệm cầu thang piano)

Làm thế nào bạn có thể khiến mọi người thay đổi hành vi hàng ngày của họ và đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn? Trong một thí nghiệm xã hội do Volkswagen tài trợ, việc biến những hoạt động đời thường nhất trở nên thú vị cũng có thể truyền cảm hứng cho mọi người thay đổi hành vi của họ.

Trong thí nghiệm, một cầu thang bộ đã được biến đổi thành các phím đàn piano khổng lồ. Ngay bên cạnh cầu thang này là thang cuốn nên mọi người có thể lựa chọn đi thang bộ hoặc đi thang cuốn. Kết quả cho thấy có thêm 66% người đi cầu thang bộ thay vì thang cuốn.

Vì vậy, thêm một yếu tố vui vẻ có thể truyền cảm hứng cho mọi người thay đổi hành vi của họ và chọn giải pháp thay thế lành mạnh hơn.

Tham khảo: Tâm lý học thực nghiệm

4. Marshmallow Test (Thí nghiệm kẹo xốp)

Vào cuối những năm 1960 và đầu 1970, một nhà tâm lý học tên là Walter Mischel đã dẫn đầu một loạt thí nghiệm về trì hoãn sự thỏa mãn. Mischel đã tìm hiểu liệu khả năng trì hoãn sự thỏa mãn có thể là một yếu tố dự báo cho thành công trong tương lai hay không.

Trong các thí nghiệm, trẻ em từ 3 – 5 tuổi được đặt trong một căn phòng có đồ ăn (thường là kẹo marshmallow hoặc bánh quy). Trước khi rời khỏi phòng, người làm thí nghiệm nói với mỗi đứa trẻ rằng chúng sẽ nhận được thêm một phần kẹo/ bánh nếu món ăn đầu tiên vẫn còn trên bàn sau 15 phút.

Các nghiên cứu tiếp theo được thực hiện nhiều năm sau đó cho thấy rằng những đứa trẻ có khả năng trì hoãn sự thỏa mãn đã thể hiện tốt hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả học tập. Những người có thể đợi 15 phút để có món thứ hai có xu hướng đạt điểm SAT cao hơn và thành công hơn trong học tập.

Kết quả cho thấy khả năng chờ đợi, trì hoãn này không chỉ là một kỹ năng cần thiết để thành công mà còn là thứ được hình thành sớm và tồn tại trong suốt cuộc đời.

5. The Smoky Room Experiment (Thí nghiệm phòng có khói)

Nếu bạn thấy ai đó gặp khó khăn, bạn có nghĩ mình sẽ giúp đỡ họ? Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng lời giải đáp cho câu hỏi này phụ thuộc vào số lượng người khác có mặt ở đó. Chúng ta có nhiều khả năng giúp đỡ hơn khi chúng ta là nhân chứng duy nhất, nhưng ít có khả năng giúp đỡ hơn khi chúng ta là một phần của đám đông.

Trong một thí nghiệm cổ điển, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia ngồi trong phòng để điền vào bảng câu hỏi. Đột nhiên, căn phòng bắt đầu đầy khói. Với trường hợp người tham gia chỉ có một mình, khoảng 3/4 số người tham gia đã bình tĩnh rời khỏi phòng để báo cáo về tình trạng bốc khói cho các nhà nghiên cứu.

Trong trường hợp có ba người, chỉ 38% thông báo có khói. Trong trường hợp cuối, khi có 2 trong 3 người là diễn viên và ra vẻ thờ ơ với sự việc, chỉ 10% người tham gia báo cáo về khói. Thí nghiệm là một ví dụ tuyệt vời về mức độ mọi người dựa vào phản ứng của người khác để định hướng hành động của họ.

Khi điều gì đó đang xảy ra, nhưng dường như không ai phản hồi, mọi người có xu hướng nhận tín hiệu từ nhóm và cho rằng không cần phải phản ứng.

Tham khảo: Hiệu ứng người ngoài cuộc (Bystander Effect)

6. Carlsberg Social Experiment (Thí nghiệm xã hội Carlsberg)

Bạn đã bao giờ cảm thấy như mọi người đánh giá bạn không công bằng dựa trên ngoại hình? Hay bạn đã bao giờ có ấn tượng sai về ai đó dựa trên vẻ ngoài của họ? Thật vậy, tất cả mọi người đều quá nhanh chóng trong việc đưa ra quyết định dựa trên những phán đoán khi gặp gỡ ai đó lần đầu tiên.

Những ấn tượng dựa trên vẻ ngoài đôi khi khiến mọi người bỏ qua những đặc điểm và phẩm chất bên trong. Trong một thử nghiệm xã hội khá thú vị, các cặp đôi bước vào một rạp chiếu phim đông đúc. Tại đây, trừ 2 chỗ ngồi cho cặp đôi, các chỗ ngồi còn lại đều là nam giới có vẻ ngoài to con và đáng sợ. Nếu trong tình huống đó, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ ngồi vào chỗ còn trống và thưởng thức bộ phim? Hay bạn sẽ cảm thấy sợ hãi và bỏ về?

Trong thí nghiệm không chính thức, không phải tất cả các cặp đôi đều chọn ngồi lại, nhưng những người chọn ngồi lại đã nhận được phần thưởng là sự cổ vũ từ đám đông và một ly bia Carlsberg miễn phí.

Thí nghiệm này là một ví dụ tuyệt vời về lý do tại sao mọi người không nên đánh giá một cuốn sách bằng bìa của nó.

7. Halo Effect Experiment (Thí nghiệm hiệu ứng hào quang)

Trong một thí nghiệm năm 1920, nhà tâm lý học Edward Thorndike đã yêu cầu các sĩ quan chỉ huy trong quân đội đưa ra đánh giá về các đặc điểm khác nhau của cấp dưới của họ.

Thorndike quan tâm đến việc tìm hiểu cách mà ấn tượng về một phẩm chất, chẳng hạn như trí thông minh, chuyển sang nhận thức về các đặc điểm cá nhân khác, chẳng hạn như khả năng lãnh đạo, lòng trung thành và kỹ năng chuyên nghiệp. Thorndike phát hiện ra rằng khi mọi người có ấn tượng tốt về một đặc điểm, những cảm xúc tốt có xu hướng ảnh hưởng đến nhận thức về các phẩm chất khác.

Ví dụ, nghĩ rằng ai đó hấp dẫn có thể tạo ra hiệu ứng hào quang khiến mọi người cũng tin rằng đó là người tốt bụng, thông minh và hài hước. Tác động ngược lại cũng đúng. Cảm giác tiêu cực về một đặc điểm dẫn đến ấn tượng tiêu cực về các đặc điểm khác của một cá nhân.

8. False Consensus Experiment (Thí nghiệm đồng thuận sai)

Vào cuối những năm 1970, nhà nghiên cứu Lee Ross và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện một số thí nghiệm mới lạ. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu cho những người tham gia chọn cách phản ứng với một cuộc xung đột tưởng tượng và ước tính có bao nhiêu người cũng sẽ chọn cách giải quyết tương tự.

Họ nhận thấy rằng bất kể người được hỏi chọn phương án nào, họ có xu hướng tin rằng đại đa số những người khác cũng sẽ chọn phương án tương tự. Trong một nghiên cứu khác, những người làm thí nghiệm yêu cầu sinh viên trong khuôn viên trường đi xung quanh mang theo một tấm quảng cáo lớn có nội dung “Eat at Joe’s.”

Sau đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu các sinh viên ước tính xem có bao nhiêu người khác sẽ đồng ý mang tấm quảng cáo này giống họ. Các nhà thí nghiệm nhận thấy rằng những người đồng ý mang tấm biển tin rằng đa số mọi người cũng sẽ đồng ý mang tấm biển đó. Những người từ chối thì cảm thấy rằng đa số mọi người cũng sẽ từ chối.

Kết quả của những thí nghiệm này chứng minh điều mà trong tâm lý học gọi là hiệu ứng đồng thuận giả (false consensus effect). Bất kể niềm tin, lựa chọn hoặc hành vi của chúng ta là gì, chúng ta có xu hướng tin rằng phần lớn những người khác cũng đồng ý với chúng ta và hành động giống như cách chúng ta làm.

LỜI KẾT

Tâm lý học xã hội là một lĩnh vực phong phú và đa dạng cung cấp những hiểu biết hấp dẫn về cách mọi người cư xử theo nhóm và hành vi bị ảnh hưởng như thế nào bởi áp lực xã hội.

Khám phá một số thí nghiệm tâm lý xã hội cổ điển này có thể cung cấp một cái nhìn sơ lược về một số nghiên cứu hấp dẫn đã xuất hiện từ lĩnh vực nghiên cứu này.

Nguồn: Kendra Cherry, 8 Famous Social Psychology Experiments, Verywell Mind

Tham khảo: Nguồn gốc tâm lý học

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt – Pháp: